Tướng quân Thụy Điển Gustav II Adolf của Thụy Điển

Công cuộc cải cách của ông có những vấn đề rất đáng chú ý: chiến thuật mới của Quân đội Thụy Điển. Trước hết, Gustav II Adolf trở thành ông vua đầu tiên không thi hành chế độ binh dịch lính đánh thuê trên lục địa Âu châu; thay vì đó, ông thi hành một chế độ khác - đó là chế độ lính nghĩa vụ. Ông dùng Luật "chọn một người trong số mười người" để thu thập tất cả những người đàn ông ở độ tuổi 15 - 44 trên khắp Vương quốc Thụy Điển. Nhờ công lao cải tổ và dạy dỗ binh sĩ của ông, Thụy Điển sở hữu đến 36.000 quân thường trực. Không những thế, lực lược pháo binh Thụy Điển của Quốc vương trở nên đáng gờm: họ chủ yếu dùng thứ pháo hỏa dã chiến loại nhẹ.[10] Thời đó, các đội quân châu Âu thường dùng một thứ hỏa pháo to tướng: người ta không thể đưa nó đến chiến trường nếu không có chừng bốn con chiến mã hoặc là lừa. Trong khi đó, Quân đội Thụy Điển chỉ dễ dàng đưa hỏa pháo ra trận bằng một con lừa hoặc một con chiến mã.[10]

Chiến tranh Kalmar

Triều đại Gustav II Adolf mở đầu với một sự kiện không may: Vua Đan Mạch là Christian IV điều động 250000 quân đánh bại quân Thụy Điển trong cuộc chiến tranh Kalmar - một cuộc chiến diễn ra vài tháng trước khi ông lên nối ngôi. Vì chiến thắng đầu tiên của Quân đội Đan Mạch là đánh chiếm thành Kalmar trên biển Baltic, cuộc chiến mới có tên gọi như vậy. Đến năm 1612, quân Thụy Điển lại mất một pháo đài khác.[11] Tân vương Gustav II Adolf, được sự phò tá đắc lực của de la Gardie, và ngăn chặn những cuộc tấn công kinh thành Stockholm theo đường bộ từ phía Tây và phía Nam, và theo đường biển từ phía Đông. Đây là chiến thắng đầu tiên trong triều đại ông. Vào năm 1613, cuộc chiến tranh Kalmar kết thúc: Nhờ sự đàm phán của vua Anh là James I, hai bên ký kết Hiệp định Knäred: ông phải cống cho vua Đan Mạch một khoản bồi thường lớn lao; đổi lại, vua Đan Mạch trả lại cho ông các tỉnh của Đế quốc Thụy Điển trên vùng biển Baltic.[12][13]

Thụy Điển đánh Nga và Ba Lan

Vào năm 1617, Gustav II Adolf đem 60000 quân và 120 pháo tấn công Đế quốc Nga - một kình địch của Vương quốc Thụy Điển. Quân Nga thất bại thảm hại tại trận quyết chiến ở Bronnitsy và quân Thụy Điển làm chủ tất cả những lãnh thổ bao bọc vịnh Phần Lan. Ngoài ra, giờ đây nước Nga đã bị mất con đường liên lạc với vùng biển Baltic. Quốc vương Thụy Điển ca khúc khải hoàn, ông vui sướng phát ngôn trước các binh sĩ:[14]

Từ nay về sau, nước Nga chẳng bao giờ còn giám vượt qua khuôn phép nữa.

— Gustav II Adolf

Vào năm 1621, ông động binh tấn công Liên bang Ba Lan-Litva, chiếm lấy Riga tiêu diệt được hơn 30000 quân Balan-Litva.[15] năm 1626, 100000 quân Thụy Điển đánh gần 400000 quân Ba Lan trong chiến dịch Volchov. Lực lượng Kỵ binh Ba Lan - được người đời xem là "Kỵ binh đệ nhất thiên hạ" - hoàn toàn thất bại. Với chiến thắng này, toàn cõi Âu châu phải sửng sốt trước sức mạnh của Đế quốc Thụy Điển. Không lâu sau chiến thắng, vua Gustav II Adolf đã chiếm đóng xứ Livonia chỉ trong 2 tháng. Sau khi chiếm được phần lớn Latvia, ông tiến hành chinh phạt vùng Royal Prussia, đánh bại các đạo quân Ba Lan lẻ tẻ phía trước ông và bắt sống khoảng 12000 tù binh. Vào ngày 17 tháng 1 năm 1626, 50000 quân Thụy Điển đánh tan tác quân 70000 quân Ba Lan được trang bị 200 khẩu đại bác trong khu rừng Wallhof. Bước sang năm sau (1627), ông lại tấn công vùng Danzig. Từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 8 năm đó, trong một trận chiến tại Dirshau, ông bị thương nặng ở cổ những đã thắng trận. Đây là một trong những lần ông chiến đấu quả cảm nhưng khinh địch, và chiến thắng Dirshau cũng không phải là lần cuối cùng: ông súy nữa thì bị bắt sống trong trận chiến Stuhm vào ngày 17 tháng 6 năm 1629.[12] Sau chiến thắng Dirshau, các bác sĩ không thể bỏ viên đạn khỏi cơ thể ông. Dù ông sống sót, ông không thể nào mặc chiến bào sắt từ khi đó. Ngoài ra, hai ngón tay phải của ông cũng bị tê liệt.[16] Ông từng nói:[17]

Thiên Chúa chính là chiến bào sắt của Quả nhân.

— Gustav II Adolf

Tài quân sự của ông đã gây ấn tượng cho Thủ tướng Pháp là Hồng y Richelieu: năm 1629, Hồng y Richelieu, Thụy Điển và Ba Lan tiến hành đàm phán, ký kết Hiệp định Altmark.[18] Cuối cùng thì vua Sigismund III cũng từ bỏ tham vọng về ngai vàng Thụy Điển, khiến cho nhà vua Thụy Điển có thể an toàn tham gia chiến tranh Ba mươi năm.[12] đáp ứng nhu cầu của tầng lớp quý tộc phong kiến Thụy Điển, nhà vua truyền lệnh cho người dân di cư đến sinh sống tại xứ Livonia. Một lần, Gustav II Adolf phán trước các vị quan lại:[19]

Có phải các khanh suốt ngày kêu la đòi thưởng đất đai phải không? Vậy thì các khanh hãy đến những vùng đất mới đó đi, các khanh cần bao nhiêu Trẫm ban cho bấy nhiêu. Trẫm sẽ quan tâm giúp đỡ các khanh, cho các khanh miễn thuế và hưởng nhiều đặc quyền.

— Gustav II Adolf

Chiến tranh Ba mươi năm

Giữa lúc vua Gustav II Adolf và ba quân ca khúc khải hoàn, tình hình châu Âu trở nên thuận lợi đối với Liên đoàn Công giáo: Lực lượng Tin Lành của vua Đan Mạch là Christian IV bị đập tan tác. Nhờ đó, Hoàng đế La Mã Thần thánh thống lĩnh Liên đoàn Công giáo mở rộng tầm ảnh hưởng đến tận bờ Nam Biển. Thấy uy thế của Vương quốc Thụy Điển bị đe dọa đáng sợ như thế, ông không thể nào không tham gia cuộc chiến tranh tàn khốc. Ông cho rằng, đại quân Thụy Điển cần phải tiến công Đế quốc La Mã Thần thánh - một đế chế không hề gần Vương quốc của ông.[10][19] Và, thất bại thảm hại của vua Christian IV đã kết thúc giai đoạn Vương quốc Đan Mạch can thiệp cuộc nội chiến ở Đức, và Vương quốc Thụy Điển thế chỗ cho Đan Mạch.[12]

Do đó, đầu năm 1630, trong một đêm mùa xuân, không khí đông đúc tại tòa Quốc hội Thụy Điển. Tại đó, dưới những ánh đèn sáng chói, hàng trăm vị đại thần ăn vận áo mão đầy đủ, và cùng nhau ngồi nghiêm túc mà để tai nghe lời diễn thuyết của nhà vua. Ông được miêu tả là người có "vóc dáng cao lớn, mắt to, lông mày rậm, râu quai nón rậm rì, tiếng như lệnh vỡ, dáng điệu như ngựa lồng, khẩu khí như thâu tóm cả vũ trụ, hoài bão thật to lớn". Vị diễn giả đứng trên bục, và phát biểu:[10]

Kể từ khi Trẫm lên kế vị, nhờ các vị ra sức phò tá, phát triển công thương, xây dựng Quân đội, chấn chỉnh chính trị, mỡ mang cơ đồ và cuối cùng đã thu được nhiều thành quả rực rỡ; phía Đông thì đánh bại nước Nga Sa hoàng, miền Nam thì chiến thắng Ba Lan, biến biển Baltic thành ao nhà. Nhưng bây giờ ở Đức đang xảy ra nội chiến, Liên đoàn Công giáo, một thế lực chống Thụy Điển liên tiếp dành thắng lợi, có nghĩa là tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với miền nam nước ta. Kinh nghiệm cho ta biết rằng: nếu cứ đóng chặt cửa, lo giữa nhà, đợi chúng đến mới đánh trả thì chẳng bằng chủ động xông ra ngoài liều mình sống mái với chúng. Nguyên tắc của người Thụy Điển chúng ta là quyết không để kẻ thù đặt nữa bàn chân lên lãnh thổ của Trẫm. Hãy hắt ngọn lửa chiến tranh sang chính đất nước của chúng.

— Gustav II Adolf

Sau đó, bầu không khí Quốc hội Thụy Điển bừng bừng sôi nổi, tất cả các quan cùng nhau vỗ tay, và ca ngợi ông:[10]

Thánh thượng vạn tuế! Chúng ta kiên quyết đánh bại Hoàng đế La Mã Thần thánh.

— Quốc hội Thụy Điển

Thật vậy, vào tháng 7 năm 1630, Quốc vương Gustav II Adolf thân chinh dẫn những đạo quân hùng mạnh của Thụy Điển, trong bầu không khí vô cùng háo hức, tiến công mãnh liệt vào Đế quốc La Mã Thần thánh. Chỉ với 44000 quân, vua Thụy Điển đổ bộ lên vùng Peenemünde trên sông Usedom. Ông mang theo 80 khẩu pháo chiến trường cùng nhiều khẩu súng quy mô lớn hơn, dùng trong các cuộc vây hãm.[12] Một khoảng đất không nhỏ nằm ở miền Bắc và miền Trung Đế quốc đã rơi vào tay họ.[19] Dù là một Vương quốc Công giáo, nước Pháp đã viện trợ cho nhà vua Thụy Điển.[15]

Bước sang năm sau, vào tháng 9, nhà vua quyết định thiết lập liên minh với Lãnh địa Tuyển hầu tước Sachsen (một bang của Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay). Dưới sự chỉ huy của ông, 240000 quân Thụy Điển và Sachsen - trang bị khỏa 180 khẩu hỏa pháo - kéo rốc đến đất Leipzig. Vào ngày 17 tháng 9, tại thị trấn bé nhỏ Breitenfeld ở phía Bắc Liepzig, 350000 quân Công giáo, trang bị chừng 60 khẩu hỏa pháo, đánh trận khốc liệt với liên quân Thụy Điển-Sachsen. "Hùng sư của phương Bắc" đã chia toàn quân Thụy Điển thành hai tuyến; trong khi đó, Bá tước Tilly và Liên đoàn Công giáo vẫn cứ đánh theo kiểu "trận đồ hình vuông" xưa cũ, binh sĩ Công giáo quy tụ đông đảo. Việc làm đầu tiên của Quân đội Thụy Điển là nã đạn bắn vào Liên đoàn Công giáo. Liên đoàn Công giáo đã nhận lấy chiến bại thảm bại, vì lực lượng Pháo binh của Thụy Điển nổi trội hơn hẳn. Pháo binh Công giáo thua rồi thì Bá tước Tilly lại huy động Kỵ binh Đức xung phong; tuy nhiên, Bộ binh Thụy Điển dùng súng kíp nã xối xả vào Kỵ binh Đức, đánh thắng họ đến 7 lần.[20]

Song, tình thế chuyển biến khiến cánh trái quân Thụy Điển không còn được yểm trợ nữa: do thực lực không thể bì kịp với Liên đoàn Công giáo, Quân đội Sachsen tan vỡ đội hình, binh lính bỏ chạy toán loạn. Tuy nhiên, khi mất thế thượng phong, "Hùng sư của phương Bắc" Gustav vẫn giữ vững một cái đầu lạnh: ông điềm đạm thống lĩnh ba quân, dẫn đến một chiến thắng huy hoàng của Quân đội Thụy Điển.[20]

Tiêu diệt Bá tước Tilly và tử trận

Sau chiến thắng vang dội tại Breitenfeld, ông và quân sĩ tiến công nước Áo - vốn là nơi đóng đô của triều đại Habsburg - theo đường sông Danube. Ông đã ép Hoàng đế La Mã Thần thánh phải xưng danh chư thần của Đế quốc Thụy Điển.[21]

Vào năm 1632, nhà vua thân chinh dẫn dắt sáu toán quân hùng mạnh của liên quân Tin Lành tiến đến miền Nam. Ông đã đặt chân đến vùng Nuremberg vào tháng 3 cùng năm. Tháng sau, ông cùng quân sĩ băng qua dòng sông Reyke, và đụng độ với 90000 quân Liên đoàn Công giáo trong một trận chiến thứ hai. Quân Thụy Điển lại giành chiến thắng, còn Bá tước Tilly già nua - giờ đã 73 tuổi - bị giết chết, kết thúc binh nghiệp 50 năm của Tilly.[21]

Sau trận thắng, quân Thụy Điển đặt chân lên xứ Bayern, và dự định tiến thẳng đến thành phố Munchen thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh.[21]

Trong thời gian này, chính trường Âu châu có những chuyển biến không nhỏ, trong khi Liên đoàn Công giáo cận kề với chiến bại. Thấy quân Thụy Điển chiến thắng như chẻ tre, Hoàng đế Ferdinand II của nhà Habsburg lại một lần nữa phong viên thống soái nổi tiếng Albrecht von Wallenstein làm Tổng tư lệnh Quân đội Đế quốc (thay cho Bá tước Tilly quá cố), với hy vọng giành lại thế thượng phong. Vốn là một đồng minh của quân Thụy Điển, nhưng Vương quốc Pháp Công giáo lại lo sợ rằng: sau khi chiến thắng, quân Thụy Điển sẽ mở rộng ảnh hưởng của đạo Tin Lành trên toàn bộ đất đai của Đế quốc La Mã Thần thánh, gây khó khăn cho tham vọng của giới cầm quyền Pháp lúc ấy. Do đó, triều đình Pháp cố gắng kìm hãm bằng được cuộc chinh phạt đất Đức của Quân đội Thụy Điển. Không những thế, tầng lớp nông dân Đức cũng chẳng ưa gì Quân đội Thụy Điển, do họ thường gây thiệt hại về tính mạnh và tài sản của nông dân Đức trong những cuộc hành quân.[21]

Gustav II Adolf tử thương trong trận Lutzen,
tranh Carl Wahlbom, (1855).

Như vậy, nhà vua và Quân đội Thụy Điển lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn: kẻ thù tiến công từ bốn phía. Một điều nghiêm trọng, họ kéo chiến tuyến với độ dài quá lớn; do đó, quân lính không thể kết đoàn với nhau, gây trắc trở cho giới cầm quyền Thụy Điển. Độ dài của chiến tuyến dẫn đến hậu quả là Đế quốc Thụy Điển mất dần thế thượng phong. Và, dĩ nhiên, việc vị tướng bách chiến bách thắng Albrecht von Wallenstein chọi nhau với Gustav II Adolf là điều không thể tránh khỏi.[22]

Tại Lutzen - một phần đất thuộc Lãnh địa Tuyển hầu tước Sachsen - ông và Von Wallenstein đã chạm trán kịch liệt vào ngày 6 tháng 11 năm 1632. Trong không khí mù mịt của những đám sương mù 76000 quân Thụy Điển cự nhau với 172000 quân Công giáo, hai vị Thống soái lừng danh cứ choảng nhau trong một thời gian không hề ngắn ngủi, nhưng không ai đánh thắng được ai. Vua Gustav II Adolf đích thân xung phong đánh giặc, để khích lệ tinh thần của Quân đội Thụy Điển. Theo sau ông là một lực lượng Kỵ binh đánh nhau khốc liệt với Liên đoàn Công giáo. Không may thay, sự nghiệp ngắn ngủi của thiên tài quân sự chấm dứt tại đây: "Hùng sư của phương Bắc" Gustav II Adolf bị bắn chết, hưởng thọ 38 tuổi.[22]

Tuy nhiên, Quân đội Thụy Điển không dễ gì mà nhận lấy thất bại: họ và Quốc vương Gustav II đã bao lần cùng nhau chiến thắng hiển hách, do đó ông đã khắc sâu vào họ một niềm yêu thương, cảm phục. Do đó, toàn quân Thụy Điển lấy khẩu hiệu "Hãy trả thù cho Đức Vua", và xông vô tấn công dữ dội vào Liên đoàn Công giáo. Kết quả của trận đánh khốc liệt là quân Thụy Điển thắng trận và mở ra con đường máu. Thấy quân Thụy Điển giữ thế thượng phong, Albrecht von Wallenstein cùng toán quân đánh thuê rút khỏi trận địa trong đêm tối; trong khi đó, toàn bộ Pháo binh Công giáo vẫn vỏn vẹn trên trận địa Lutzen.[22]

Nhìn chung, trận chiến Lutzen đã cho danh tướng Wallenstein biết về sức mạnh đáng gờm của "chiến thuật tuyến" hoàn toàn mới, dù liên quân Tin Lành mất đi vị minh chủ của họ. Trong suốt binh nghiệp huy hoàng của Wallenstein, Lutzen là nơi vị tướng này bị đánh bại lần đầu tiên.[22] Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh cũng phải chịu mất viên Thống chế Gottfried Heinrich Graf zu Pappenheim.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gustav II Adolf của Thụy Điển http://data.rero.ch/02-A018901643 http://books.google.com/books?id=uIsDAAAAYAAJ&dq http://www.aquinas.edu/history/research.html http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://uli.nli.org.il/F/?func=direct&doc_number=00... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p070529957 http://kulturnav.org/90ada1fb-4a83-4bd5-ad6a-2cbfe... http://mak.bn.org.pl/cgi-bin/KHW/makwww.exe?BM=1&N... http://books.google.com.vn/books?id=1h9zzSH-NmwC&d... http://books.google.com.vn/books?id=8UZo2UBMdKYC&p...